Đổi mới quản lý vận tải đường bộ: Tạo chuyển biến ngay trong năm 2013, 2014
Chiều 20/2, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc về Đề án Đổi mới quản lý vận
tải đường bộ. Bộ trưởng chỉ đạo: Phải tập trung vào những vấn đề quản lý yếu kém nhất, người dân và doanh nghiệp bức xúc nhất để giải quyết ngay trong năm 2013 và 2014, trên một lộ trình dài hơi theo hướng hiện đại hóa, nhằm thúc đẩy chất lượng và đảm bảo an toàn
vận tải hàng hóa đường bộ.
Ngành dịch vụ phát triển nóng:
Dịch vụ Vận tải đường bộ là lĩnh vực được xã hội hóa mạnh mẽ, phát triển nóng với tất cả những ưu điểm và nhược điểm của nó. Số lượng phương tiện kinh doanh đã tăng hơn 10 lần trong hơn 10 năm qua, hiện có tới gần 103.000 xe khách và 620.000
xe tải các loại, với 2.681 doanh nghiệp, 586 HTX và hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể. Đa số các đơn vị
vận tải có quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Theo khảo sát có tới 60% các đơn vị vận
tải khách tuyến cố định và gần 83% đơn vị vận tải khách theo hợp đồng chỉ có dưới 10 đầu xe/mỗi đơn vị. Trình độ quản lý đa số ở mức rất thấp, chủ yếu khoán cho lái xe, vì vậy chất lượng dich vụ thấp, TNGT nhiều.
Quản lý nhà nước trên lĩnh vực này thời gian 10 năm qua có những chuyển biến nhất định với sự ra đời của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và 2008. Song công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này được đánh giá là chậm đổi mới, mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chưa theo kịp thực tiễn. Chưa tạo được cơ chế thúc đẩy việc hiện đại hóa, chưa tạo được thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, chưa khuyến khích được những đơn vị làm tốt, đào thải những đơn vị yếu kém. Đặc biệt, với
vận tải hàng hóa, những quy định quản lý sơ sài, kém hiệu quả.
Gắn sao để quản lý xe khách- áp dụng quy trình an toàn vận tải hàng hóa
Đề án “Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu TNGT” được Bộ GTVT giao Tổng cục ĐBVN xây dựng, đã tập trung đánh giá thực trạng và đưa ra những giải pháp quản lý theo hướng hiện đại hóa, đối với tất cả các loại hình vận tải đường bộ, nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông. Tại cuộc họp của Bộ GTVT chiều 20/2, các ý kiến của các vụ chức năng của Bộ và Ủy ban ATGT Quốc gia đã thống nhất cao với các nội dung của Đề án.
Với quản lý vận tải hành khách, công tác quản lý ATGT và chất lượng dịch vụ vận tải được xác định là 2 nội dung cơ bản. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân hạng chất lượng dịch vụ đối với từng loại hình kinh doanh, gồm: Chất lượng phương tiện; lái xe và nhân viên phục vụ; hành trình; tổ chức, quản lý của đơn vị; quyền lợi của hành khách.
Trên các tiêu chí này, sẽ tiến hành phân loại hạng chất lượng dịch vụ vận tải. Vận tải hành khách tuyến cố định, du lịch và xe hợp đồng được phân thành 5 hạng từ 1 “sao” đến 5 “sao” với thang điểm đánh giá là 100 điểm. Vận tải hành khách bằng xe buýt được phân thành 2 hạng gồm hạng 2 “sao” và 3 “sao”, thang điểm đánh giá là 100 điểm. Vận tải hành khách bằng xe taxi được phân thành 3 hạng gồm hạng 3, 4, 5 “sao”, thang điểm đánh giá là 90 điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN: Đề án sẽ đề ra giải pháp khắc phục những bất cập trong đăng ký và thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải, quản lý về ATGT ở các đơn vị vận tải hiện nay. Đồng thời là cơ sở để hành khách lựa chọn, giám sát thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải và cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế khuyến khích, phát triển các đơn vị vận tải quản lý tốt, hạn chế dần những đơn vị chất lượng dịch vụ kém.
Mục tiêu đổi mới quản lý vận tải hàng hóa là quản lý về đảm bảo ATGT và tổ chức cung cấp thông tin giúp cho các đơn vị tổ chức vận tải khoa học, hiệu quả. Theo đó, khuyến khích các đơn vị vận tải ban hành và thực hiện quy trình quản lý phương tiện, quản lý người lái xe và quy trình quản lý của bộ phận quản lý ATGT trong đơn vị. Những đơn vị vận tải hàng hóa đã thực hiện quy trình quản lý ATGT được kiểm tra, xác nhận và sẽ được công bố theo định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm).
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ có khuyến cáo các chủ hàng lựa chọn, ký hợp đồng vận chuyển với các đơn vị vận tải đã thực hiện tiêu chuẩn và quy trình ATGT. Tiến tới quy định chỉ những đơn vị đã thực hiện công tác này mới được tham gia vận tải quốc tế, vận tải đường dài (có thể từ 500 km trở lên).
Tập trung giải quyết ngay những vấn đề yếu kém nhất
Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo: Đổi mới quản lý vận tải đường bộ cần phải xuất phát từ đặc thù của ngành nghề dịch vụ vận tải đường bộ của Việt Nam đó là tính xã hội hóa rất mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số, trình độ quản lý của doanh nghiệp chưa cao nên nếu có tập trung lại để kinh doanh theo kiểu liên hiệp vận tải là chỉ có lỗ. Do đó phải có phân tích, đánh giá để đưa ra những quan điểm và nội dung đổi mới cho phù hợp. Đổi mới quản lý vận tải đường bộ là phải thúc đẩy được thị trường vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho thị trường phát triển theo hướng hiện đại, an toàn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, chứ không phải là gò bó doanh nghiệp nhằm tạo dễ dàng cho quản lý nhà nước.
Theo Bộ trưởng, đổi mới quản lý vận tải đường bộ là một nội dung mang tính tổng thể và dài hơi, song ngay trong giai đoạn ngắn, ngay trong năm 2013 và 2014 phải xác định những nội dung yếu kém nhất, bức xúc nhất để tập trung giải quyết thật hiệu quả: Tập trung quản lý trách nhiệm chủ xe, chủ doanh nghiệp, trách nhiệm lái xe; tập trung quản lý taxi, bến xe, trạm dừng nghỉ... Bộ trưởng yêu cầu: Phải rà soát lại tất cả các thể chế, chính sách về vận tải đường bộ, văn bản nào không còn phù hợp thì cho sửa đổi, thậm chí bãi bỏ; Có lộ trình xây dựng hệ thống văn bản QPPL vận tải đường bộ cho đồng bộ; Xây dựng quy chuẩn về vận tải với lộ trình thực hiện phù hợp. Toàn bộ phải rà soát sao cho không được trái với Luật hiện hành và không thêm giấy phép con, không gây khó cho người kinh doanh.
Tập trung thực hiện hiện đại hóa quản lý bằng các phần mềm và thống nhất các phần mềm quản lý trong toàn Ngành, trước hết là tập trung khai thác hộp cơ sở dữ liệu giám sát hành trình xe.
Tập trung quản lý các chủ thể: chủ xe, chủ doanh nghiệp, lái xe. Cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ xe và người lái xe với chất lượng và an toàn vận tải. Có hệ thống cơ sở dữ liệu để cập nhật, đánh giá chất lượng dịch vụ được cung cấp, mức độ an toàn của dịch vụ, từ đó hình thành sàn giao dịch, để thị trường có đủ thông tin lựa chọn doanh nghiệp và dịch vụ. Theo báo Giao thông Vận tải